Nam Định: Hội thảo về đảm bảo An toàn thực phẩm tại trường học 05/09/2019


 Ngày 29-8, tại hội trường Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định đã diễn ra Hội thảo về công tác đảm bảo An toàn thực phẩm tại trường học. Hội thảo do Sở Y tế phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Giáo dục - Ðào tạo tỉnh Nam Định đồng tổ chức, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác ATVSTP tại các cơ sở giáo dục trong tình hình mới; đánh giá thực trạng và bàn giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ATVSTP  ở đơn vị, địa phương; công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo với ngành Y tế, ngành Giáo dục trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATVSTP tại các địa phương, đơn vị.

Đ/c Khương Thành Vinh - Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu khai mạc

Đến dự và chỉ đạo có các đồng chí: Phạm Văn Hà, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Khương Thành Vinh, Phó Giám đốc sở Y tế; Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo.Tham dự hội thảo có 80 đồng chí là Lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, các Chi cục An toàn VSTP, Quản lý Chất lượng Nông-Lâm và Thủy sản, Ban Tuyên giáo của 16 huyện ủy, thành ủy và các Đảng bộ trực thuộc, Phòng Giáo dục-Đào tạo, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế của 10 huyện, thành phố và các trường có tham luận.

Có 7 tham luận được trình bày tại Hội thảo. Các tham luận chuẩn bị công phu, có chất lượng, đi sâu phản ánh những thực trạng về ATVSTP trong thời gian qua và đề ra những giải pháp trong thời gian tới cũng như những đề xuất đối với các cấp các ngành liên quan

Đ/c Phạm Văn Hà, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định phát biểu thảo luận

Cùng với các ý kiến thảo luận từ lãnh đạo các ngành Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Cục Quản lý Thị trường; Ban Tuyên Tỉnh ủy, các đại biểu cùng nhau phân tích làm rõ công tác đảm bảo An toàn thực phẩm trường học tại tỉnh Nam Định đang gặp thách thức bởi các mối nguy bởi nhiều vấn đề từ công tác quản lý cơ sở bếp ăn trường học, đến việc học sinh có thể bị Ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm không những từ trong bếp ăn của trường mà còn từ thức ăn đường phố được bày bán ở xung quanh cổng trường, các bữa liên hoan đông người, hoặc thực phẩm bổ sung dinh dưỡng (sữa học đường) …

Đ/c Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo phát biểu thảo luận

Năm học 2018-2019,toàn tỉnh có 133.750 học sinh ăn tại 555 bếp ăn bán trú ở 356 trường học gồm 463 trường mầm non, 80 trường tiểu học, 10 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông.

Việc tổ chức các bếp ăn tập thể tại trường đã tạo thuận lợi cho học sinh và các gia đình, tuy nhiên nếu thực hiện không tốt dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của học sinh. Ðể tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, ngay từ năm 2012 Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về an toàn thực phẩm: Thông tri số 09-TT/TU, kế hoạch số 04-KH/TU; Chương trình hành động số 02/CTr-UBND quán triệt, triển khai Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề An toàn thực phẩm trong tình hình mới. Năm 2017 Tỉnh ủy ban hànhKế hoạch số 34-KH/TU ngày 24/7/2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 11-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19/7/2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh của các sở, ngành, UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Liên ngành Vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh đã chú trọng công tác phổ biến, tập huấn kiến thức, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các trường học. Hiện nay, phần lớn các trường đã thực hiện các quy định như: Có Giấy chứng nhận/bản cam kết cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe định kỳ đối với nhân viên bếp và nhân viên dinh dưỡng. Các điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị-dụng cụ, thực phẩm và thực hành vệ sinh tương đối tốt.

Thực tế trong những năm vừa qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra vài vụ Ngộ độc thực phẩm ở học sinh các cấp từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở do thức ăn ở trường, do thực phẩm ở các bữa cỗ đông người như liên hoan lớp, bữa cỗ ở địa phương, do uống sữa miễn phí… tuy số người mắc không đông nhưng cũng làm ảnh hưởng tới an sinh, xã hội ở địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận phân tích các thách thức, nguyên nhân mất an toàn thực phẩm hiện nay và bàn các giải pháp đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại trường học. Kết luận tại hội thảo, Ban Tuyên Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Ðào tạo thống nhất tăng cường phối hợp trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các trường học.

Đối với vấn đề mất an toàn thực phẩm ngoài trường học, chính quyền các cấp cần nâng cao trách nhiệm, tăng cường kiểm tra và kiên quyết không để tình trạng bán thức ăn đường phố và thực phẩm không rõ nguồn gốc tại cổng và xung quang trường học đồng thời các trường cần tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh không sử dụng những thức ăn này. Lựa chọn thực phẩm an toàn khi tổ chức các bữa ăn đông người như liên hoan…Cần phối hợp chặt chẽ giữa các ngành Giáo dục và Đào tạo cùng Y tế trong hoạt động sữa học đường không để mất an toàn thực phẩm.

Tại các trường học có bếp ăn tập thể cần làm tốt một số hoạt động đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý và đội ngũ nhân viên nhà bếp; các bếp ăn trường học phải thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm, thành lập ban giám sát an toàn thực phẩm có đại diện phụ huynh học sinh, chủ động kiểm tra và giám sát bếp của trường. Cần công khai, minh bạch nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp và kiểm soát thực phẩm ở tất cả các khâu; các ngành chức năng tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất tại các bếp ăn trường học. Các nhà cung ứng thực phẩm phải đủ năng lực, chỉ cung cấp thực phẩm an toàn, minh bạch.

Để thực hiện hiệu quả công tác an toàn thực phẩm trong tình hình mới, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Những ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu sẽ là cơ sở khoa học để ngành Tuyên giáo, ngành Y tế, ngành GD&ĐT và các ngành liên quan tham mưu giúp các cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác ATTP trường học trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới../.

BsCKI. Lê Lợi

Phó Chi cục trưởng, Chi cục ATVSTP Nam Định

Các bài viết khác

Video

Thống kê truy cập

Số người đang truy cập 610
Tổng số lượt truy cập 1244627

Liên kết website