Nam Định đẩy mạnh công tác can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV 05/09/2019


 Những năm qua, công tác can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV luôn được tỉnh ta chú trọng. 

Công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả. Tại Trung tâm Y tế các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy và Bệnh viện Phụ sản tỉnh hiện đang triển khai nhiều hoạt động cung cấp dịch vụ phòng lây truyền từ mẹ sang con như: Tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Toàn tỉnh có 9.455 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV từ đầu năm đến nay, trong đó đã phát hiện 6 phụ nữ mang thai nhiễm HIV và đều được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Bên cạnh đó, các hoạt động can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS được đẩy mạnh tại các huyện, thành phố, gồm: cấp phát bơm kim tiêm sạch, thu gom bơm kim tiêm bẩn, phát bao cao su, tài liệu truyền thông, tiến hành xét nghiệm HIV cho nhóm người có nguy cơ cao thông qua đội ngũ tiếp cận cộng đồng. Tại các huyện: Ý Yên, Trực Ninh và Xuân Trường đã thành lập và triển khai hoạt động nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng về can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS. Dự án VUSTA trực tiếp triển khai can thiệp cho nhóm nghiện chích ma túy tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu; nhóm phụ nữ bán dâm tại huyện Giao Thủy và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tại thành phố Nam Định.

Bệnh nhân uống Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tiếp tục được duy trì tại 8 cơ sở: Trung tâm Y tế các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Hải Hậu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh, Trung tâm Cai nghiện huyện Nam Trực, Phòng khám Đại Đồng huyện Giao Thủy và Trung tâm Bảo trợ và phòng, chống tệ nạn xã hội huyện Giao Thủy; cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại Trung tâm Y tế thành phố Nam Định. Tổng số bệnh nhân tham gia điều trị Methadone là 1.943 người, đạt 102% chỉ tiêu được giao. Với các giải pháp tích cực, công tác dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng đã tới được các đối tượng nhiễm HIV; chất lượng điều trị cho bệnh nhân AIDS ngày càng được nâng cao. 
Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng: Trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống đài phát thanh các huyện, thành phố, đài truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn; phát tờ rơi truyền thông điều trị Methadone, tư vấn xét nghiệm tự nguyện và điều trị ARV; tổ chức nói chuyện chuyên đề tại các tổ dân phố, cụm dân cư và truyền thông trực tiếp cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao như nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, người nhiễm HIV và gia đình, tiếp viên nhà hàng, khách sạn,… /.

Kim Loan

Các bài viết khác

Video

Thống kê truy cập

Số người đang truy cập 619
Tổng số lượt truy cập 1244638

Liên kết website