Ngày 11/6/2019, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019 với gần 700 điểm cầu trong cả nước. PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị tại điểm cầu trung ương. Tham dự các điểm cầu có đại diện các Vụ, Viện, Cục, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; lãnh đạo các Sở Y tế, Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Y tế huyện/quận/thành phố, Trạm Y tế các xã/phường/thị trấn và các đơn vị liên quan trong cả nước. Tại Nam Định có 07 điểm cầu, đồng chí Khương Thành Vinh – Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì điểm cầu tại Tp. Nam Định.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe PGS.TS. Trần Như Dương – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hướng dẫn kỹ thuật các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng; PGS.TS.Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cập nhật phác đồ điều trị sốt xuất huyết ở người lớn; PGS.TS. Phạm Văn Quang – Bệnh viện Nhi đồng 1 cập nhật phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng; PGS.TS. Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hướng dẫn quy trình tiêm chủng an toàn và quy định giám sát tai biến sau tiêm chủng; PGS.TS. Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn xử trí, cấp cứu tai biến nặng sau tiêm chủng. Hội nghị cũng được nghe nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu và ý kiến giải đáp của các chuyên gia về phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng như phác đồ cấp cứu khi bệnh nhân sốc nặng kéo dài trên 24 giờ, sốc tái diễn, bệnh nhân có các chức năng gan thận, gan kém; chỉ định truyền dịch Albumin; việc thực hiện phác đồ cấp cứu ở tuyến huyện… Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tiếp tục ghi nhận số mắc cao, gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương; bệnh sởi vẫn ghi nhận mắc tại 181/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Madagascar, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có nhiều quốc gia trước đây đã công bố loại trừ bệnh sởi. Bộ Y tế xác định công tác phòng, chống dịch bệnh tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm. Toàn ngành Y tế phải chủ động thực hiện các biện pháp để phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả./.
Trình Vũ