Điều trị HIV/AIDS bằng bảo hiểm y tế 12/04/2019


 
Sự kiện truyền thông “Những bệnh nhân đầu tiên điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV từ Quỹ bảo hiểm y tế”– Một trong những giải pháp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS của Tỉnh

Điều trị ARV đang được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống HIV/AIDS. Tại nước ta, điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS đã triển khai hơn 20 năm nay và hoàn toàn miễn phí từ nguồn thuốc viện trợ hoặc thuốc mua từ ngân sách nhà nước. Việc điều trị ARV giúp người nhiễm HIV hồi phục được hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội nguy hiểm, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ. Đến nay, nước ta đang điều trị cho gần 131 nghìn người nhiễm HIV; việc nhận dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS toàn diện và miễn phí đã thành thói quen của người nhiễm HIV. Tuy nhiên, nguồn viện trợ điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV từ các dự án quốc tế đã bị cắt giảm từ năm 2017 khiến công tác phòng chống HIV/AIDS và bản thân người bệnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bảo hiểm y tế là cứu cánh cho người nhiễm HIV để tiếp tục điều trị với sự đồng chi trả như các bệnh thông thường khác. Người tham gia bảo hiểm y tế nhiễm HIV và người tham gia bảo hiểm y tế khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được quỹ bảo hiểm y tế chi trả: Thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế; xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV… Ngày 15/11/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg về thanh toán thuốc ARV và hỗ trợ người sử dụng thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế. Thực hiện Quyết định này, tỉnh ta đã khẩn trương kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS từ năm 2016 thông qua việc chuyển các cơ sở điều trị từ các Trung tâm y tế một chức năng về các bệnh viện đa khoa để có thể triển khai ký hợp đồng với bảo hiểm xã hội về khám chữa bệnh HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế.

Hiện nay, bệnh nhân HIV/AIDS được phát hiện ở 10/10 huyện, thành phố của tỉnh Nam Định với 224/229 xã, phường, thị trấn có người nhiễm. Năm 2018, số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới giảm 17%, số bệnh nhân AIDS giảm 23% so với năm 2017. Tỉnh có 10 cơ sở điều trị HIV/AIDS gồm: Bệnh viện Đa khoa Tỉnh; Bệnh viện Nhi Tỉnh; Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Tỉnh; Bệnh viện Đa khoa các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Ý Yên... Đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có 1.309 bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế trên tổng số 1313 bệnh nhân HIV/AIDS (4 bệnh nhân chưa có thẻ là bệnh nhân vừa ra trại). Theo kế hoạch của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, năm 2019 tỉnh ta sẽ có 6 cơ sở điều trị HIV/AIDS thực hiện việc thanh toán thuốc ARV qua nguồn bảo hiểm y tế. Năm 2020, sẽ thực hiện tại toàn bộ các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Hướng đến mục tiêu năm 2020, tỉnh ta triển khai khám, chữa bệnh HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế tại 10 huyện, thành phố; 90% người nhiễm HIV trên địa bàn được quản lý tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS và được điều trị ARV; đảm bảo cho bệnh nhân được tiếp cận với cơ sở khám, chữa bệnh HIV/AIDS phù hợp theo quy định. Nỗ lực đẩy nhanh việc thanh toán thuốc ARV qua bảo hiểm y tế; thực hiện mở rộng tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế; tích cực huy động các nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường tiếp cận với chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; mở rộng cải thiện chất lượng chăm sóc điều trị HIV/AIDS; nâng cao năng lực của các cơ sở điều trị HIV/AIDS; thực hiện tốt công tác truyền thông… là những giải pháp phòng, chống bệnh HIV/AIDS cần thực hiện trong thời gian tới./.

 Trình Vũ

Các bài viết khác

Video

Thống kê truy cập

Số người đang truy cập 3820
Tổng số lượt truy cập 1703447

Liên kết website