Đến nay, tỉnh Nam Định có gần 4.200 người nhiễm HIV còn sống; trong đó có 1.302 người đang điều trị ARV. Số bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT là 96%. Bệnh nhân đang điều trị tại các phòng khám ngoại trú tới thời điểm này vẫn đang được Dự án Quỹ toàn cầu, Chương trình PEPFAR hỗ trợ Việt Nam phòng chống HIV/AIDS và Chương trình mục tiêu quốc gia cung cấp thuốc kháng vi-rút ARV, thuốc dự phòng NTCH Cotrimoxazol, xét nghiệm tải lượng vi-rút HIV, xét nghiệm tế bào CD4, còn những xét nghiệm cơ bản và thuốc hỗ trợ khác thanh toán qua nguồn BHYT. Đến năm 2019, toàn tỉnh sẽ có 6 cơ sở điều trị HIV chuyển sang thanh toán ARV thông qua thẻ BHYT gồm: Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Tỉnh; Phòng khám ngoại trú đặt tại Trung tâm Y tế các huyện: Giao Thuỷ, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Ý Yên.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng, dịch vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có 10 cơ sở điều trị HIV/AIDS, gồm: 1 phòng khám chuyên khoa HIV và điều trị nghiện chất, đặt tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh; 9 Phòng khám ngoại trú đặt tại: Bệnh viện Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện: Giao Thuỷ, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh. Trong đó, Phòng khám chuyên khoa HIV và điều trị nghiện chất, đặt tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh có tỷ lệ bệnh nhân được quản lý, điều trị cao nhất trong các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, với tổng số gần 700 bệnh nhân HIV/AIDS đang được quản lý, theo dõi điều trị. Từ khi tiếp nhận, triển khai lồng ghép hoạt động chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, Trung tâm luôn quan tâm đến hoạt động cải thiện chất lượng trong công tác tư vấn, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS nhằm nâng cao chất lượng điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh; về xét nghiệm đo tải lượng vi-rút HIV định kỳ cho bệnh nhân sau điều trị 6 tháng, 12 tháng; tích cực triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Kết quả trên 90% bệnh nhân được làm xét nghiệm đo tải lượng vi-rút HIV; trong đó 95% có kết quả đạt được dưới ngưỡng ức chế vi-rút, góp phần thực hiện mục tiêu 90% bệnh nhân điều trị ARV có kết quả tải lượng vi-rút HIV dưới ngưỡng ức chế. Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 1051/KH-UBND ngày 27-10-2017 của UBND tỉnh về việc chuyển giao và tiếp nhận hoạt động chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, tháng 12-2017, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã tiến hành chuyển giao thành công 376 bệnh nhân đang điều trị thuốc kháng vi-rút HIV phác đồ bậc 1 từ Phòng khám ngoại trú- Bệnh viện Đa khoa Tỉnh về Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Tỉnh tiếp tục quản lý, theo dõi, chăm sóc điều trị ngoại trú, nâng tổng số bệnh nhân HIV/AIDS tại cơ sở lên gần 700 bệnh nhân. Phòng khám chuyên khoa điều trị HIV/AIDS và điều trị nghiện chất đã triển khai ngay việc tổ chức sắp xếp lịch khám, tái khám, tư vấn lại cho toàn bộ bệnh nhân được chuyển giao, bố trí nhân lực phù hợp đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Tỷ lệ chuyển gửi thành công khách hàng có HIV (+) từ phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện sang các cơ sở điều trị HIV/AIDS của tỉnh đạt 78,2%. Tất cả các phòng khám ngoại trú đang phấn đấu thực hiện thanh toán qua BHYT các dịch vụ liên quan HIV/AIDS cho người bệnh, hoàn thành xong thủ tục ký hợp đồng khám chữa bệnh cho người bệnh.
Mặc dù hiện nay công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, song những kết quả đạt được của tỉnh thực sự là một bước tiến đáng khích lệ. Trong thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS./.
Gia Hân